15:56 - 09/06/2022
PHÂN BIỆT BUGI NÓNG VÀ BUGI LẠNH
Bugi là một bộ phận rất quen thuộc với chúng ta. Tuy nhiên, khái niệm "bugi nóng và bugi lạnh" có lẽ nhiều người chưa biết hoặc chưa hiểu hết. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu và ôn lại kiến thức nhé.
Nhiệt độ tối ưu ở điện cực trung tâm của bugi khi tia lửa bắt đầu xuất hiện thường khoảng 850o C, vì ở nhiệt độ này, các chất bám vào điện cực bugi như muội than sẽ tự bốc cháy (nhiệt độ tự làm sạch). Nếu nhiệt độ quá thấp (< 500o C), muội than sẽ tích tụ trên bugi làm chập điện cực, dễ gây mất lửa khi khởi động động cơ vào buổi sáng hoặc khi dư xăng. Nhiệt độ quá cao (> 1000o C) sẽ dẫn đến cháy sớm (chưa đánh lửa mà hoà khí đã bốc cháy) làm hư piston. Điều đó giải thích tại sao ở một số xe đời cũ, khi ta đã tắt công tắc máy (tức bugi không còn đánh lửa) mà động cơ vẫn nổ (hiện tượng dieseling).
Để giữ được nhiệt độ tối ưu ở điện cực trung tâm của bugi, người ta thiết kế chiều dài phần sứ cách điện ở điện cực này khác nhau dựa vào điều kiện làm việc của động cơ, vì vậy, bugi được chia làm 2 loại: nóng và lạnh.
Nếu động cơ làm việc thường xuyên ở chế độ tải lớn hoặc tốc độ cao dẫn tới nhiệt độ buồng đốt cao, nên sử dụng bugi lạnh, với phần sứ ngắn (xem hình) để tải nhiệt nhanh.
Ngược lại, nếu thường chạy xe ở tốc độ thấp và chở ít người, bạn hãy sử dụng bugi nóng với phần sứ dài hơn. Trong trường hợp chọn sai bugi, bugi sẽ rất mau hư.
Ví dụ: Dùng bugi nóng thay vào một động cơ đang sử dụng bugi lạnh, sẽ thấy máy yếu đi do tình trạng cháy sớm, nhất là khi chạy ở tốc độ cao (Điểm lưu ý này dành cho các tay đua xe!). Trong trường hợp ngược lại, bugi sẽ bám đầy muội than khi xe thường xuyên chạy ở tốc độ thấp, dễ gây “mất lửa”. Ta có thể phân biệt bugi nóng và bugi lạnh qua chỉ số nhiệt của bugi. Chỉ số (được ghi trên bugi) càng thấp thì bugi càng “nóng” và ngược lại.